Thần Tài là một vị thần chủ về tài lộc trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và ở một số nước phương Đông khác như Trung Quốc, Thái Lan,… Người ta tin rằng thần Tài sẽ mang tài lộc, may mắn đến cho gia đình, nhất là đối với những người làm ăn kinh doanh hay buôn bán. Cho nên khi bước vào bất cứ cửa hàng, quán xá nào bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp 1 bàn thờ thần tài ở góc nhà.

Nguồn gốc của tục thờ Thần Tài

Tục thờ Thần tài có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó truyền sang Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Xoay quanh vị thần này có rất nhiều câu chuyện truyền miệng trong dân gian và cả truyền thuyết kể về nguồn gốc của phong tục này.

Thần tài Trung Quốc

Truyền thuyết cổ xưa nhất về thần tài có 3 vị: một vị là quan văn tên là Tỷ Can, một vị là quan võ tên là Triệu Công Minh và một nhân vật lịch sử có thật tên là Phạm Lãi.

Văn thần Tỷ Can

Ông là một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Thương, là con của vua Thái Đinh và là chú ruột của Trụ Vương – vị vua cuối cùng của thời nhà Thương (1600-1027 trước công nguyên) và cũng là vị hôn quân tàn ác nhất lịch sử Trung Quốc.

Tỷ Can là một người tài đức, nhiều lần hết lời căn ngăn vua Trụ làm những việc ác, nhưng không những vua Trụ không nghe mà còn đòi moi tim Bỉ Can ra xem vì vua nghe nói là tim người hiền có bẩy lỗ. Tỷ Can tự tay móc tim cho vua Trụ xem, nhưng ông không chết vì đã uống thuốc trường sinh bất tử. Ông chán nản bỏ đi, mang tài sản ra phân phát cho nhân dân. Vì thế nhân dân tôn ông làm thần tài, đời đời khói hương thờ phụng.

Loading...

Trong tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa, Tỷ Can nhiều lần đối đầu với Đát Kỷ và bị Trụ Vương yêu cầu móc tim để trị bệnh cho Đát Kỷ.

Võ thần Triệu Công Minh

Trong truyền thuyết thì Triệu Công Minh là người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cầu ông để làm ăn được phát đạt, may mắn.

Người đời thường vẽ hình ông là một người mặt đen, râu rậm, tay cầm kiếm Thần hoặc cầm Roi cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái.

Thần tài Triệu Công Minh
Thần tài Triệu Công Minh

Trong tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa thì Khương Tử Nha phong cho Triệu Công Minh là Kim Long Như Ý Chính Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân, là Nguyên Soái thống lãnh bốn vị tiên:

  • Chiêu Bảo Thiên Tôn Tiêu Thăng
  • Nạp Trân Thiên Tôn Tấn Bảo
  • Chiêu Tài Sứ Giả Đặng Cửu Công
  • Lợi Thị Tiên Quan Diêu Thiểu Tư

Những vị này luôn ban phước lộc và may mắn cho những người thương gia, kinh doanh buôn bán. Danh hiệu của bốn vị đem lại những điều tốt lành cho mọi người: Chiêu bảo (gọi vật quý), Nạp trân (thu vật báu), Chiêu tài (gọi tiền về), Lợi thị (buôn bán có lời). Từ đó, dân gian tôn bốn vị tiên này cộng thêm thần thủ lãnh Triệu Công Minh là năm người, và gọi là Ngũ Lộ Tài Thần.

Đến đời nhà Minh, tác giả Hứa Trọng Lâm có viết quyển sách, trong đó chính thức nêu lên Triệu Công Minh là Tài Thần giúp chiêu tài tấn bảo, giúp người thương gia buôn bán phát đạt, giàu có, được nhiều tài lộc.

Trong các vị thần tiên của Đạo giáo, Triệu Công Minh là âm thần, là một trong năm vị đại ôn thần, có khả năng điều khiển sấm chớp hô mưa gọi gió, tiêu tai trừ bệnh và chiêu tài tiến bảo.

Chính bởi công đức to lớn của mình, Tài thần Triệu Công Minh từ xưa là thần tài chủ quản vàng bạc tiền tài, ban phúc lành và là một vị thần chân chính, được thờ cúng rộng rãi trong dân gian cho đến nay.

Thần tài Phạm Lãi

Cũng theo truyền thuyết Trung Hoa cổ đại thì một nhân vật lịch sử có thật tên là Phạm Lãi cũng được coi là Tài thần. Ông là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn, đã hết lòng phò tá vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn.

Sau khi đã toại chí, Phạm Lãi không màng công danh phú quý mà bỏ đi ở ẩn. Dã sử kể rằng Phạm Lãi đưa gia quyến đến đất Đào, đổi tên thành Đào Chu Công. Từ đó người ta chỉ biết ông tên là Đào Chu Công, làm nghề buôn bán. Ông buôn bán mấy năm thì phát tài, tiền của rất nhiều, trở thành một thương gia giàu có lúc bấy giờ. Nhưng ông không tích của, mang toàn bộ tiền của đi bố thí cho những người nghèo khó, chỉ giữ lại một chút cho bản thân. Sau đó ông lại chăm chỉ làm việc, một thời gian sau lại phát tài nữa, phát tài càng lớn lại bố thí càng nhiều, danh tiếng vì thế càng ngày vang xa.

Chính nhờ đức hạnh bố thí của ông mà người đời tôn sùng ông là một vị thần mang đến tài lộc cho mọi người, gọi ông là Thần Tài. Sau khi ông mất, những người làm ăn, buôn bán bắt đầu lập bàn thờ Thần Tài. Trong dịp khai trương các cửa hàng, quán xá, cơ sở kinh doanh,… người Trung Quốc và người gốc Hoa thường hay tặng nhau tấm đại tự “Đào Công phất nghiệp” để chúc nhau việc kinh doanh, buôn bán thành đạt.

Thần tài Việt Nam

Tại Việt Nam tục thờ thần Tài xuất phát từ một bộ phận nhỏ người Việt gốc Hoa kinh doanh tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20. Sau đó lan truyền ra cả nước với tốc độ rất nhanh. Dân gian lưu truyền câu truyện sau:

Chuyện kể rằng Thần Tài chỉ có trên trời, dưới trần gian không có. Ngài là vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc trên thiên đình. Trong một lần đi chơi uống rượu, do say quá nên Thần Tài bị rơi xuống trần gian, không may đầu bị va vào đá nên nằm mê mệt không biết gì. Sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương thì lấy làm lạ và tưởng ngài bị điên.

Mọi người thấy vậy liền lột sạch hết quần áo mũ nón của Thần Tài và đem đi bán. Khi ngài tỉnh dậy không có quần áo trên người và do bị va đầu vào đá nên bị mất đi trí nhớ không biết mình là ai.

Do sống trên thiên đình quen rồi nên Thần Tài không biết làm việc dưới trần gian và phải lang thang đi xin ăn khắp nơi. Thần Tài đến một nhà kia kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm thì được chủ quán mời vào ăn. Điều kỳ lạ lúc này là kể từ khi Thần Tài vào quán ăn thì không biết từ đâu khách cứ kéo đến nườm nượp. Người chủ quán thấy thế nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn.

Khách hàng ở quán đối diện trước đây rất đông bỗng dưng từ hôm thần Tài đến ăn quán bên kia thì khách lại chuyển hết qua quán bên này. Sau một thời gian người bán hàng đắt khách và cảm thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày lại được ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lại hay thích lang thang không tắm giặt.

Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn nữa và lại thấy hao phí đồ ăn cho một người ăn mày không đáng nên người chủ quán liền đuổi ông đi. Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy Thần Tài bị chủ quán bên kia đuổi thì liền mời Thần Tài vào ăn, cũng như lúc trước, mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn quán này rất đông.

Mọi người thấy vậy nên ai cũng ra sức tranh giành mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để có thể kéo khách đến ăn đông, vậy nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”.

Người dân ở đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn ông đi mua lại quần áo, được mọi người dẫn đến cửa hàng nơi quần áo ông bị bán. Sau khi mặc lại quần áo mũ nón vào thì Thần Tài bỗng nhớ lại mọi chuyện trước kia và bay về trời.

Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và họ lập bàn thờ ông từ đó. Hóa thân Thần Tài là một người lang thang ăn xin quần áo rách rưới. Ngày Thần Tài bay về trời cũng chính là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

Lý do ban thờ thần tài đặt ở góc nhà

Sở dĩ người ta thờ Thần Tài ở góc nhà là do điển tích: Xưa kia có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo, được Thủy thần tặng cho một nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm đã giàu to. Về sau có lần Âu Minh đánh Như Nguyện. Sợ hãi nên Như Nguyện chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn sa sút dần, chẳng mấy lúc nghèo kiết xác.

Người ta bảo Như Nguyện là hóa thân của Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện. Cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà hoặc hàng hiên. Và bàn thờ cũng không cần to tát, chỉ là một cái khám nhỏ sơn son thếp vàng, có khi chỉ là một thùng gỗ dán giấy đỏ. Cũng theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác.

Tại sao Thần Tài được thờ chung với Ông Địa?

Người Hoa là cộng đồng được coi là sở trường về doanh thương nên tập tục thờ thần Tài đã trở nên quan yếu và phổ biến có phần lâu đời trong lịch sử tín ngưỡng. Ngược lại, người Việt là cư dân “dĩ nông vi bản” nên bảo thủ tập tục thờ thần Đất và tín lý phồn thực. Đến cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, thần Đất và thần Tài ở xứ ta vẫn chưa phân biệt biệt rõ.

Ban thờ Thần Tài
Người Việt thường lập ban thờ Thần Tài chung với Ông Địa (Thổ Địa)

Trong Đại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn, 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là “thần Đất, thần giữ tiền bạc” và đến tận bây giờ, thần Tài và Thổ Địa vẫn cứ được thờ chung như một cặp đôi bất khả phân li ở khắp nơi, từ văn phòng công ty, tiệm quán, tư gia… thậm chí ở trên nóc tủ bán thuốc lá lẻ lề đường. Và điều đáng chú ý là, hình tượng vị thần Tài của người Việt, xét về mặt đồ tượng học, là một biến thể của Thổ Địa Phước đức chính thần của người Hoa. Đây là bằng chứng chỉ ra một cách thức ảnh hưởng tín ngưỡng Hoa đối với người Việt.

Trong thực tế đối với người Hoa, Thổ Địa cũng là một trong các thần Tài. Nói cách khác, cũng do nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng trong lịch sử nên đất đai cùng các loại nông phẩm từ đất sinh ra là thứ của cải, tài sản chủ yếu nên thần Đất cũng là thần Tài. Mặt khác, thần Đất có công năng là thần Tài là do thuyết ngũ hành tương sinh: Thổ sinh Kim.

Thần tài dưới góc nhìn Phật giáo

Như đã nói ở trên, Thần Tài có nguồn gốc từ Đạo giáo chứ không phải Đạo Phật nên vị thần này không phải là nhân vật có mặt trong Phật giáo. Tuy nhiên đức hạnh của ông tương ứng với lời dạy của Đức Phật, đó là hạnh bố thí mà mỗi chúng ta cần học hỏi.

Hầu hết mục đích thờ cúng Thần Tài chính là người ta muốn cầu tài lộc bằng cách cúng kiến trái cây, thức ăn. Đó là quan điểm dân gian và nếu so với quan điểm Phật giáo thì không phù hợp, vì nó trái với quy luật nhân quả mà Đức Phật đã dạy.

Đạo Phật không dạy chúng ta cầu giàu sang bằng cách cung phụng cho một vị thần linh nào đó mà Đức Phật đề cao hạnh bố thí, giúp người sẽ được phước báu tương ứng. Cho nên bố thí và cúng dường là nhân lành để kết hoa trái ngọt phước báo giàu sang phú quý trong hiện tại và mai sau.

Chúng ta học được gì từ thần tài?

Dù có nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng tựu trung các vị thần tài đều là những nhân cách lớn: không màng vinh hoa phú quý mà sẵn sàng từ bỏ, đem năng lực và tài sản của bản thân đi bố thí với tâm từ bi không mưu cầu tư lợi. Đây là điều chúng ta cần phải học.

Hạnh bố thí phải xuất phát từ tâm từ bi

Ngày nay, nhiều người hành theo hạnh bố thí đa phần vì mong cầu lợi lạc hoặc để người khác nhớ ơn, báo đáp. Điều đó không sai nhưng phước báu sẽ tạo ra không nhiều vì hành thiện có tính toán và bị giới hạn. Chúng ta dễ vướng mắt khi dang tay giúp đỡ người khác vì cho rằng: Mình sẽ được gì? Liệu họ có trả ơn mình không? Đừng nên như vậy! Vì Đức Phật dạy: Thi ân không cần báo đáp.

Luật nhân quả luôn tồn tại một cách công bằng nên khi tạo tác nhân thiện, chắc chắn quả thiện sẽ đến khi đủ duyên mà chẳng cần phải mong cầu. Đó là vì sao khi Phạm Lãi làm ăn khắm khá để bố thí mãi là như thế. Vì thế, chúng ta thờ thần Tài, nếu hiểu đúng nghĩa là cần phải noi gương hạnh lành của ông. Biết san sẻ, bố thí, giúp đỡ người thì việc làm ăn sẽ thuận lợi, tiền bạc không bị thiếu hụt.

Không ỷ lại và siêng năng làm việc

Dù công việc làm ăn thuận lợi, của tiền dư giả nhưng Phạm Lãi vẫn không dựa vào đó mà lười biếng lao động để hưởng thụ. Cách mà ông “hưởng thụ” thành quả của mình chính là phân phát tiền của cho người nghèo. Rồi lại tiếp tục lao động để có tiền mà bố thí. Ông không hề mong cầu một đấng thần linh nào ban phước, ban tài cho ông mà ông tạo mọi của cải bằng chính đôi tay của mình.

Còn chúng ta thì đang làm ngược lại. Luôn giao phó vận mệnh tài lộc của mình ở một vị thần để van vái, cầu mong mà không tự mình làm chủ lấy mình. Để rồi khi không được như ý thì quay sang trách tại sao Thần Tài không linh thiêng.

Đặc biệt, điều chúng ta học ở ông chính là tính siêng năng. Trong khi đó người đời ngày nay luôn ỷ lại gia đình khá giả mà không chăm lo cho tương lai mà ì ạch, biếng lười, vun tiền vào những chốn ăn chơi sa đọa.

Qua bài chia sẻ nguồn gốc ông Thần Tài và đức hạnh bố thí, chúng ta nên ngẫm nghĩ lại những bài học quý giá từ đức tính của ông Thần Tài noi gương và làm theo nếu muốn thật sự có tiền tài và giữ chúng được lâu hơn.

Loading...