Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy. Trong tiềm thức người Việt, Rằm tháng Bảy ngoài ngày “xá tội vong nhân”, còn mang ý nghĩa là ngày con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ nên rất được coi trọng. Tết Trung nguyên có nguồn gốc từ lễ Vũ Lan Bồn- theo truyền thuyết Phật giáo: tôn giả Mục Kiều Liên báo hiếu với mẹ.

Xá tội vong nhân

Sự tích lễ cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”.
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu : “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Theo tín ngưỡng truyền thống thì ngày Rằm tháng Bảy các tội nhân ở cõi âm được tha tội một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, ria đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc… hậu hĩ thì có xôi chè, và thế nào cũng có một nồi cháo hoa. Vàng mã cúng chúng sinh thường là những xấp giấy tiền, những xấp giấy cắt hình cái áo, cái quần.
Ngoài các cỗ cúng lễ cúng ở các gia tự, người ta còn bày cỗ cúng cho các cô hồn tại cầu, quán, đình, chùa và gọi là cúng cháo. Lễ vật để cúng cháo có cháo hoa nấu bằng gạo, cơm nắm vắt thành nắm nhỏ, hoa quả, bánh, bỏng, trầu cau, xôi chè… và đồ vàng mã. Lễ vật bày lên mẹt hay nong. Riêng cháo thì múc đổ vào lá mít, lá đa cuộn thành hình bồ đài. Khi cúng xong các cô hồn, những người nghèo, trẻ em giành và chia nhau các thứ đó vàng mã cũng được hoá.
Những nhà có người mới chết trong vòng một, hai năm thường đốt mã, làm chay ngày Trung nguyên.

Tết Trung Nguyên ngoài lễ cúng xá tội vong nhân ra thì còn có lễ báo hiếu cha mẹ gọi là lễ Vu Lan.

Loading...