Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên khắp nước, gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, sau đó từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập và phát triển Thiền phái Trúc Lâm (nơi đây được biết đến từ lâu như là kinh đô của Phật giáo Đại Việt, cội nguồn của đạo Phật Việt Nam).

Quần thể di tích Yên Tử có 11 chùa, rất nhiều am, tháp trải từ Bí Thượng (chân Dốc Ðỏ) đến chùa Ðồng, bao gồm 3 khu di tích: Khu di tích và danh thắng Đông Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang).

Đây là sơ đồ toàn bộ quần thể di tích danh thắng Yên Tử:

Sơ đồ hành trình Yên Tử
Sơ đồ hành trình Yên Tử

Đi từ dưới chân núi chúng ta sẽ gặp các di tích lần lượt như sau:

  1. Chùa Trình (còn gọi là chùa Bí Thượng)
  2. Chùa Suối Tắm
  3. Chùa Cầm Thực
  4. Chùa Lân
  5. Suối Giải Oan
  6. Chùa Giải Oan
  7. Am Lò RènĐường TùngHòn NgọcVườn tháp Huệ Quang
  8. Chùa Hoa Yên
  9. Thác Ngự DộiAm Thiền ĐịnhThác Vàng
  10. Chùa Một Mái
  11. Am DiêmAm HoaAm Dược
  12. Chùa Bảo Sái
  13. Chùa Vân Tiêu
  14. Tượng đá An Kỳ Sinh
  15. Cổng TrờiBia Phật – Bàn Thờ Tiên
  16. Chùa Đồng

Về Yên Tử là về với một vùng văn hóa, lưu giữ những giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Đây là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa; một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc.

Loading...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chỉ ra rằng: Phật ở ngay trong Tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Đức Phật chỉ là Người Thầy Dẫn Đường, không phải thánh thần ban phước, giáng họa. Nếu để cho Tâm mình an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham-sân-si… để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Phật chính là mình, không phải cầu tìm ở bên ngoài. Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người. Thực hành Thập Thiện theo chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành chuẩn mực đạo đức. Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của một giai đoạn hoàng kim thời Trần ở Việt Nam.

Vào thời kỳ Thiền phái Trúc Lâm phát triển ở đỉnh cao, Yên Tử bao gồm cả một vùng rộng lớn với những công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu: Long Động, Hoa Yên, Vân Tiêu (Uông Bí ngày nay), Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngọa Vân (Đông Triều), Thanh Mai, Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) và những công trình khác ở vùng núi phía Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày nay.

Dấu tích lịch sử văn hóa hiện tồn ở Yên Tử là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi thiền sư; hàng chục nền móng chùa, am thời Trần – Lê phía dưới những ngôi chùa được phục dựng; hàng nghìn di vật cổ: tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành… với những họa tiết, hoa văn, kiến trúc độc đáo và sáng tạo.

Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ở thế kỷ XX, Yên Tử là căn cứ địa cách mạng, nơi bộ đội luyện quân, là vọng gác canh bầu trời Việt Nam.

Về Yên Tử, ta lạc vào một miền cổ tích với những huyền thoại, truyền thuyết về Ông Vua hóa Phật, về một vùng Cõi Thiêng.

Loading...