Trong thực tế, việc phân biệt sinh hoạt tín ngưỡng với hoạt động mê tín dị đoan là không dễ nhưng chúng ta cần cố gắng phân biệt để ứng xử phù hợp.

Từ điển Tiếng Việt năm 1992 của Trung tâm Từ điền Ngôn ngữ – Viện Ngôn ngữ học – Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, trang 976 thì định nghĩa:

1. Mê tín là tin một cách mù quáng vào những cái thần bí, vào những chuyện thần thánh ma quỷ, số mệnh…

2. Mê tín là sự ưa chuộng, tin một cách mù quáng không biết suy xét.

Tuy nhiên tôn giáo và tín ngưỡng đều xây dựng trên những điều “thần bí, huyền hoặc”, vấn đề là “thần bí, huyền hoặc” đến đâu thì được xem là mê tín, dị đoan?

Loading...

Khái niệm này còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của từng người, từng tôn giáo khác nhau. Ví dụ: Công Giáo cho rằng tất cả những tôn giáo khác ngoài Công giáo là tà đạo, là mê tín dị đoan. Điều này không đúng vì ở một số tộc người thiểu số ở Việt Nam vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết họ tổ chức lên đồng để mừng ngày mới, đây cũng không phải là dị đoan.

Hay trong Từ điển Tôn giáo do Mai Thanh Hải (chủ biên) – Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa – Hà Nội 2003 có viết: Mê tín là tin nhảm, tin xằng bậy, không thấy, không hiểu mà nhắm mắt tin theo mù quáng, tin theo một cách mê muội…làm hại đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.

Mê tín, dị đoan và mê tín dị đoan

Thực chất của tín ngưỡng và tôn giáo là mê tín vì đều tin vào những điều không có thực, nhưng bản chất của tín ngưỡng và tôn giáo là không có dị đoan.

Nhiều người bị lừa vì mê tín dị đoan
Nhiều người bị lừa vì mê tín dị đoan

Dị đoan: Là những điều quái lạ huyễn hoặc do tin vào những điều nhảm nhí mà có gọi là dị đoan (dị là khác thường; đoan là lắm mối, nhiều rắc rối, lắm vấn đề).

Tín ngưỡng và mê tín dị đoan có quan hệ chặt chẽ với nhau và giữa chúng là một ranh giới mỏng manh. Chúng ta nên coi tín ngưỡng chỉ là niềm tin và sự ngưỡng mộ của một người nào đó vào một hiện tượng, một lực lượng nào đó… mà thông thường được chỉ một niềm tin tôn giáo. Theo nghĩa rộng, tín ngưỡng bao hàm cả tôn giáo; Theo nghĩa hẹp tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành của tôn giáo.

Dị đoan là hệ quả của mê tín, làm theo những điều quái dị không thật, không hợp lẽ phải. Dị đoan là mức cao hơn của mê tín. Ví dụ: nghe theo lời “thánh phán” về đốt nhà, uống nước tàn nhang, nước thải dẫn đến thiệt hại về tài sản và sức khỏe. Cũng có thể từ mê tín dị đoan dẫn đến hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo lạ, tà giáo.

Mê tín dị đoan là niềm tin của con người vào các lực lượng siêu nhiên đến mức độ mê muội, cuồng tín với những hành vi cực đoan, thái quá, phi nhân tính, phản văn hóa. Mê tín dị đoan thường gây ra hậu quả tiêu cực đến đời sống xã hội. Hiện tượng mê tín dị đoan thường gắn liền với các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong các văn bản của Đảng ta thì: Mê tín dị đoan là tin một cách mù quáng mê muội vào những điều mơ hồ dẫn đến những hành vi gây hậu quả tiêu cực đến sức khỏe, thời gian, tài sản, tính mạng cho cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng.

Loading...