Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một bậc “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một vị Thánh trong Tứ Bất Tử của dân tộc Việt Nam. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được phụng thờ ở nhiều nơi như Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ, Đền Sòng và rất nhiều các phủ, đền khác. Nhưng lễ hội Phủ Dầy là lễ hội lớn nhất và có tính quy mô nhất.
Phủ Dầy là nơi Thánh Mẫu giáng sinh, là quê hương lại có âm phần của Thánh Mẫu và Tổ Tiên sinh ra thánh Mẫu. Phủ Dầy là một quần thể các đền phủ và chùa đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia được đông đảo các du khách về thăm quan chiêm bái, và dự các trò chơi dân gian.
Lễ hội phủ Dầy
Trước kia hội được mở chính thức 10 ngày từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch. Ngày mồng 1 hai thôn Tiên Hương và Vân Cát tế cáo mở cửa phủ người ta gọi là tế khai hội, ngày mồng 2 Tiên Hương rước nước ở Giếng về “mộc dục” Thánh tượng, sau đó làm lễ bái yết cáo.
Ngày mồng 3 là chức quốc tế long trọng, chủ tế thường là quan tổng đốc Nam Định hoặc quan lại triều đình. Ngoài ra còn có các quan chức hàng tỉnh, hàng huyện và các quan chức tổng xã, tiếp sau là các thủ nhang đồng cựu, đồng tân, con nhang đệ tử và nhân dân.
Lễ vật thường có bánh dầy, lợn sống, xôi, rượu, hoa quả và theo văn bia tại Phủ Tiên Hương thì chính tế mồng ba tháng ba lễ vật còn có một con bò, hai mâm xôi, một buồng cau, hai vò rượu còn nhân gian thì tuỳ tâm hương hoa, oản quả…
Hiện nay vẫn còn một số văn bia ghi lại việc chuẩn bị cho lễ hội thật chu đáo như sau:
“Biển hội phụng điền bi” làm năm 1834 nói việc hội thuỷ quân cúng vào Phủ Tiên Hương lo cho ngày hội 1 mẫu 6 sào ruộng.
Bia Tự Đức thứ 14 (1861) nói việc đội “vệ trung thuỷ” (làm việc ngoài biển) nhờ Mẫu che chở, cúng ruộng lo cho ngày hội. Ngoài ra còn một số văn bia khác cũng ghi việc phụng sự cho hội Mẫu và hội chợ Viềng xuân.
Ngày mồng 4 chính giỗ ở Phủ Vân Cát các quan chức triều đình huyện tổng xã và con nhang đệ tử cùng nhân dân đều túc trực tế lễ chu đáo theo nghi thức long trọng.
Ngày mồng 5 Phủ Vân Cát rước Thánh Mẫu lên Chùa Dần (Vân Tháp Tự) ở xã Trung Thành lễ Phật rồi rước về.
Ngày Mồng 6 Phủ Tiên Hương rước Thánh Mẫu xuống chùa Gôi (Tiên Sơn Tự), nhưng gần đây rước lên chùa Báng (chùa Linh Sơn).
Nghi thức rước Thánh Mẫu
Đi đầu là hoà thượng cùng 2 vị sư niệm kinh Phật vừa lần tràng hạt, tiếp theo là 4 kiệu Mẫu, phu kiệu mặc đồng phục, đầu quấn khăn, chân quấn xà cạp, có dây thắt ngang lưng. Kiệu Mẫu Đệ Nhất phủ khăn màu đỏ, Mẫu Đệ Nhị màu xanh, Mẫu Đệ Tam màu trắng thì phu kiệu cũng mặc theo màu như vậy nên trông rất trang nghiêm và đẹp mắt.
Sau đó đến đội ngũ quan chức, già làng nhân dân với tư thế nghiêm chỉnh. Trong đám rước đan sen với kiệu còn có đội hình vác nghi trượng, đội hình con nhang đệ tử, thanh đồng mặc khăn áo chầu với đủ màu sắc đủ hình thức theo các giá hầu bóng…Theo sau là hàng dài có các đội đeo mặt nạ, phường bát âm, múa roi…Đặc biệt là có hội múa rồng bay với độ dài hàng trăm mét…khiến cho lễ hội thật sôi động náo nhiệt nhưng không kém phần oai nghiêm.
Hội Phủ Dầy còn có “Kéo Chũ” còn gọi là hội hoa trượng vào các ngày 7,8,9 tháng ba thật đẹp mắt và khác biệt so với các hội khác.
Hoa trượng là gậy hoa đã có trên 300 năm, nguyên nhân do việc dân làng Thiên Bản đang lúc khó khăn nghèo túng phải đi đắp đê ở kinh thành, nhờ bà chúa quê làng Bảo Ngũ huyện Thiên Bản là Trịnh Thái Phi lập kế xin với chúa Trịnh miễn phu dịch cho dân Thiên Bản, nên dân làng kéo về tạ quan bà, Thái Phi Họ Ngô Thị Ngọc Đài bảo mọi người về tạ ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vì nhờ Mẫu Liễu Hạnh nên bà mới có địa vị cao sang nên mới giúp được dân làng. Trên đường về quê dân làng mang thuổng, mai cuốc kéo vào sân phủ tạ ơn Thánh Mẫu và xếp thành chữ “Thánh Cung vạn tuế” rồi cúi lạy trước sân phủ để tỏ lòng thành kính. Biết chuyện đó Thái Phi khuyên mọi người dùng gậy cuốn giấy và có ngù hoa ở đầu gậy cho đẹp và nghiêm trang hơn. Do vậy mà hàng năm có lễ kéo chữ ở hội Phủ Dầy.
Việc tổ chức hội hoa trượng không phải là đơn giản, cần phải chuẩn bị vài ba trăm người phân chia thành 4 hay 8 đội (các đội còn gọi là dây) mỗi đội phân tổng cờ và đốc cờ. Tổng cờ mặc kiểu võ quan cầm cờ suý, đốc cờ cầm trống tiểu. Quân mặc áo vàng thắt lưng đỏ, chân quấn xà cạp, gậy hoa dài 4m, cuốn giấy màu, đầu gậy treo “ngù” bằng tơ dứa nhuộm màu trông đẹp mắt.
Chỉ huy kéo chữ còn phải có trống cái, trống tiểu ra hiệu lệnh để tổng cờ đốc cờ kéo quân, quân theo nhịp trống. Các dây theo sự chỉ đạo của tổng cờ mà tiến lui ra vào tạo thành chữ, rồi ngồi thụp xuống tạo thành nét chữ, gậy hoa ngả theo chiều thành nền chữ. Ban giám khảo chấm điểm song, ban lệnh bài thu quân chạy theo nhịp trống ra ngoài sân tiếp tục xếp chữ khác. Chữ kéo mỗi năm được các cụ trong làng lựa chọn kĩ lưỡng và chu đáo. Có thể dùng chữ “Thánh Cung Vạn Tuế”, “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, “Quốc Thái Dân An”, “Thiên Hạ Thái Bình”…
Kéo chữ là hội cổ truyền mang tính nhân văn sâu sắc, nhưng khi thực hiện cần huy động nhiều nhân lực, càng làm cho ngày hội đã đông người lại càng thêm náo nhiệt hoành tráng. Văn bia niên hiệu Khải Định thứ 10 (1926) có ghi như sau:
“Theo lệ thì hàng năm vào tháng Ba, 12 tổng trong huyện là Phú Lão Vụ Bản, La Xá, Hiển Khánh, Đồng Đội, Vân Côi, Bảo Ngũ, An Cự”, Trình Xuyên Thượng, Trình Xuyên Hạ, Hào Kiệt, Hổ Sơn đều phải tham gia kéo chữ. Sáu tổng miền Thượng kéo chữ ở Tiên Hương vào ngày mùng 7, còn sáu tổng miền Hạ kéo chữ ở Vân Cát vào ngày mùng 8. Lý dịch ở các địa phương phải lo phu hội và gậy hoa rồi rước về Tiên Hương- Vân Cát…”
Việc tổ chức hội ở cả hai địa điểm Vân Cát và Tiên Hương là vì nguyên khi xưa hai thôn cùng chung một làng, sau mới chia làm hai thôn nên văn bia Khải Định lần thứ 6 (1931) ghi việc cả huyện Vụ Bản tiến cúng tiền, ruộng:
“Vân Cát Thần Nữ là một trong sáu sự lạ ở đất Thiên Bản. Thần có ba độ sinh hoá, các triều phong tặng là em Trời, là các mẹ, là Thánh, là Thần, là Tiên, là Phật…Hàng năm cứ đến mùa Xuân tháng Giêng, hàng hoá tốt đẹp các nơi hội tụ như chợ Trời, tháng ba có lệ gậy hoa bày chữ như hội quần tiên, Bấy giờ quan lại, tri thức, học trò, trai gái …bốn phương kéo về chiêm ngưỡng vẻ đẹp ước có tới vạn người ở hai đền Vân – Tiên đều thế cả”.
Khi quý khách thập phương về lễ hội còn được chứng kiến một hình thức lễ khá độc đáo là hầu bóng hay còn gọi là lên đồng. Bóng ở đây là bóng Thánh, còn người ngồi để Thánh nhập vào là ghế của Thánh. Thánh là cốt còn ghế là đồng. Ghế ở đây là có căn duyên, có tư duy và sự hoà hợp với Thánh. Ngồi đồng không có sự phân cao thấp, nói rộng ra là không chia đẳng cấp nên có câu: “ngự ghế nào cao ghế ấy”. Nghĩa là đang ngự ghế Cô, Cậu lại có thể vào giá ông Hoàng, bà chúa…
Từng giá đồng không tái hiện lại lai lịch một cách đầy đủ mà chỉ gợi lại một vài hành động liên quan đến vị Thánh đang ngự, vì thế người hát Hầu văn cũng chỉ nêu thoáng qua sự tích còn thì ca ngợi cảnh quan, mây trời sông nước thiên nhiên mà Thánh du ngoạn, nên người chầu quanh ghế hầu cũng được hồi tưởng cảnh đẹp đó đây mà lòng lâng lâng…
Các ghía đồng còn mô phỏng như đang cưỡi ngựa, bắn cung tên, múa kiếm, múa đao, múa quạt, múa mồi lửa, hèo nhạc…là những hình thức vũ điệu dân gian hấp dẫn, dễ hiểu do đồng cảm… Giá hầu đông không tồn tại riêng cho giá đồng mà tồn tại chung cho tất cả mọi người, giá ngự và người chầu quanh đều bình đẳng hoà nhập thân thiện với nhau và người chung quanh được phát lộc như hoa quả, bánh trái, tiền…
Ở hội còn tổ chức thi đấu cờ người, và các hình thức như thi hát hầu văn, thả đèn trời vào ban đêm, hay hát chèo…Ngoài các hình thức văn hoá tinh thần du khách còn có thể mua những đặc sản của các địa phương trong cả nước như bánh nhãn, bánh gai. kẹo lạc, bánh cốm, bánh cáy…
Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thu hút hàng vạn lượt du khách đến thăm quan, trẩy hội.