Quảng Nghiêm tự còn được gọi bằng những cái tên giản dị, đậm chất dân gian như chùa Sở, chùa Núi, chùa Tiên Lữ… nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất là chùa Trăm Gian, tọa lạc tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, trước đây thuộc tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội.

Tục Truyền

Truyền thuyết kể rằng vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có một người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh, rồi có mang, sinh ra đứa con trai. Năm lên 9 tuổi, sau khi bố mẹ mất, người con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Lên 15 tuổi, đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), thấy cảnh đẹp, người xin yết kiến và theo học kinh kệ với vị trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa Thượng, đặt hiệu là Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.

Sau khi vị trưởng lão ở chùa Tiên Lữ viên tịch, Hòa Thượng Đức Minh xin về làng dựng ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, Sư ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim quang Sư bay mùi thơm nức, ngào ngạt gần xa. Dân làng và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối.

Chùa Trăm Gian thu hút hàng trăm ngàn lượt khách gần xa đền tham quan hàng năm và hiện đang được tu bổ xây dựng lại ao sen, gác chuông và 100 gian chùa để đón tiếp đồng bào gần xa đến tham quan. Chùa Trăm Gian được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam chứng nhận di tích lịch sử quốc gia

Loading...

Quang cảnh chùa
Từ thành phố Hà Đông theo quốc lộ 6, qua cầu Mai Lĩnh và phía sau thị trấn Chúc Sơn, đi thêm chừng 2km thì rẽ phải, men theo chân núi Sở khoảng 3km sẽ tới chùa Trăm Gian. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý và đã qua nhiều lần trùng tu.
Trải qua đoạn đường dài nóng nực, dừng lại trước ao sen, mùi hương sen, cùng với những cơn gió đầu ngày sẽ giúp bạn quên đi cái mệt mỏi ngày thường. Cổng chùa được xây hai trụ lớn tạo một lối đi ở giữa, hai bên là hai tường nối với hai trụ nhỏ.
Qua cổng là một sân gạch có hai dãy hành lang ở hai bên, cuối sân là con đường lên chùa, ngôi chính điện thấp thoáng giữa những rặng thông cổ thụ. Cuối đường gạch, phía bên phải lên nhà bia kỷ niệm, đi theo phía bên trái đến tam quan và gác chuông.
Tam quan nằm trên trục tâm của khu Tam bảo, gác chuông chùa Trăm Gian là một trong số ít gác chuông cổ còn lại đến nay, có nhiều hình chạm rồng xen lẫn mây lửa với kiến trúc mặt bằng vuông, hai tầng tám mái với nhiều hoa đao uốn hắt lên khiến công trình như một bông sen khổng lồ thanh thoát.
Phần cổ diêm lắp lan can chấn song con tiện, tạo cho bên trong thoáng mát. Ở đây treo quả chuông lớn mang tên Quảng Nghiêm cổ tự đúc năm Cảnh Thịnh 2 (1794) là điển hình của chuông đồng thời Tây Sơn.
Từ tam quan – gác chuông đi theo trục tâm qua khoảng sân hẹp, vượt 27 bậc đá lên sân chùa, giữa sân kê chiếc sập đá có đặt một bát hương. Leo tiếp thêm 7 bậc đá nữa, bạn sẽ lên đến thềm chùa, hoặc đi theo lối trái sân theo đường dọc hành lang để vào sân trong của chùa với các khu nhà phụ (nhà khách, phòng tăng…) rồi lên khu Tam bảo từ phía sau nhà hậu đường.

Khu trung tâm chùa có các tòa nhà tiền đường, thiêu hương và thượng điện kết hợp với nhau thành một nội thất thống nhất, dãy hành lang dài ở hai bên ăn thông với tiền đường ở phía trước và hậu đường ở phía sau, quây lại thành một kiến trúc khép kín.
Ngoài ra, khoảng sân sau thượng điện trước hậu đường dựng tòa Phương đình treo cả trống và khánh, cũng là chỗ cho du khách nghỉ chân ngắm cảnh xung quanh. Từng ấy công trình ở hai khu chính và phụ gắn bó với nhau theo hai không gian đạo và đời, khác nhau nhưng lại hòa quyện thống nhất dàn khắp đỉnh đồi.
Khu trước hoàn toàn là kiến trúc tôn giáo, phục vụ đời sống tâm linh, được quây kín, những hệ thống của bức màn phía trước thượng điện có thể đóng hoặc mở tùy ý, các khoảng sân ở trước các dãy hành lang và trước tòa Phương đình tuy đóng ngang nhưng lại mở dọc, có thể thông với nhau qua các cửa.
Nếu tính gian (gian nhà) theo kiểu truyền thống được phân ra bởi các vì kèo, thì tòa tiền đường 7 gian, trong khi đó cùng chiều dài nhưng hậu đường bố trí thành 9 gian. thượng điện chỉ 3 gian nhưng mái trước kéo dài, có tường bên kéo thẳng sang tiền đường.
Chùa Trăm Gian ngoài thờ Phật còn thờ đức thánh Bối, ở đây hiện ghi là: “Đại thánh Khai sơn Bình đẳng Hành nghĩa tín Bồ tát”. Khu thờ thánh không xây riêng mà quây ván bưng bên trái thượng điện, cũng gọi là cung thánh, chỉ nhà sư được vào hành lễ.
Trong số tượng hậu Phật, chùa Trăm Gian nổi lên tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông – một quan võ ở thời Tây Sơn, sau chiến công đánh thắng quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu (1789) đã về quê đóng góp vào việc tu bổ chùa, được tạc tượng chân dung thờ ở chùa ngay khi còn sống, tương truyền giống đến mức khi bước vào chùa, người xem không phân biệt được người hay tượng.
Ngoài ra, chùa Trăm Gian còn có một số hiện vật thuộc loại hiếm quý. Đó là rồng đá thời Trần làm lan can thành bậc cửa chùa, có thân dài mập nhưng ghép đầu rồng thời Nguyễn. Đó là những viên gạch thời Mạc được xây bệ tượng Tam thế, nhiều viên chạm chim thần và các con thú rất sinh động. Đó cũng là bộ tranh La hán và tranh Thập điện được chạm nổi có kết hợp vẽ…
Theo người trong chùa, chùa nằm trên núi Sở là con ngựa, cạnh đó có núi So là con hổ, các gò đồi xung quanh có các tên là con Mộc, con Hỏa, con Long. Tất cả đã tạo cảnh quan văn hóa hội xuân chơi núi, chơi hang. Chùa trải rộng trên quả đồi, hướng nam, song cổng mở đầu là hướng đông – nam để giáp đường đi tiện cho du khách thăm chùa.
Tới thăm chùa Trăm Gian, bạn thỏa sức ghi lại những hình ảnh vui chơi của mình dưới nền ảnh phủ một màu xanh của thông, của sấu, của ngói đỏ đã bạc màu vì năm tháng.
Không gian tĩnh mịch, những sư thầy lặng lẽ dọn chùa và những “mục tiểu linh đồng” tóc để chỏm khiến bạn cảm thấy lưu luyến khi chuẩn bị rời xa chốn này. Những cây thông cổ thụ cao vút, những mái chùa cong cong hàm rồng, hương sen thơm ngát sẽ còn theo bạn cho đến suốt quãng đường trở về …

Loading...