Chùa Long Hưng còn có tên là chùa Tổ Đỉa tọa lạc tại ấp 4 xã Tân Định, Bến Cát, Bình Dương. Chùa Tổ Đỉa được khởi tạo vào năm 1768. Chùa Long Hưng có tổng diện tích hơn 12.000 m2. Ngôi chùa không chỉ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển 300 năm TP Thủ Dầu Một mà trong tâm thức người dân, chùa Tổ đỉa còn mang giá trị tâm linh. Sự hình thành cổ tự này gắn với giai thoại nhà sư Thiện Hiếu đã hiến mình cho con đỉa để nhân dân yên ổn sinh sống.

Lịch sử chùa Long Hưng

Vào năm Mậu Tý (1768) đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29, ở vùng đất Thới Hoà, Bến Cát ( nay thuộc xã Tân Định, Bến Cát, Bình Dương), dân chúng lập am cho Hòa thượng Đạo Trung tu hành sau này lấy tên là chùa Long Hưng. Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu là một cao Tăng thuộc thế hệ thứ 38 phái Thiền Lâm Tế truyền theo dòng kệ của Tổ Liễu Quán: Thiệt Tế Đại Đạo. Thiền sư Đạo Trung  là đệ tử đắc pháp với Thiền Sư Đại Quang- Chí Thành ( Theo Hòa thượng Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược và Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang cũng như lịch sử Phật Giáo Đàng trong của Hiền Đức, thì Đạo Trung là đệ tử của Đại Cơ- Đức Huân.

Nhưng theo bản truyền thừa mà chúng tôi có, thì Đạo Trung là đệ tử của Ngài Đại Quang – Chí Thành. Thiền Sư Đại Quang là người có công xiển dương Phật giáo ở miền Tây).

Ngài Đạo Trung từ chùa Hội Sơn ở Thủ Đức đi hoằng hóa đạo pháp, Ngài đến khai lập chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà (Tây Ninh) vào năm 1763 ( theo Việt Nam Phật giáo sử luận). Từ chùa Linh Sơn, Ngài về vùng đất Thới Hòa, Bến Cát. Thấy cảnh thanh tịnh, đồng ruộng thoáng mát nên Sư thường tới dừng chân nghỉ dưới gốc cây Trâm ở ven “ Bưng Đỉa”. Tương truyền vùng bưng này đất đai phì nhiêu nhưng rất nhiều đỉa nên nông dân ở đây không cấy lúa, trồng hoa màu được. Do đó đồng ruộng phải bỏ hoang. Thấy Sư đến, dân làng mến mộ lập am tranh cho Ngài tá túc, đồng thời  cũng mong được sự chú nguyện đem đến bình an trong việc cày cấy cho nông dân. Thấy sự vất vả, nghèo nàn của người  nông dân vùng này vì bưng ruộng quá nhiều đỉa.

Một hôm sư phát tâm xuống giữa đồng bưng ngồi thiền định phát lời nguyện: “ Nếu loài đỉa do nghiệp chướng chưa vãn sanh thì bây giờ sớm giác ngộ vãn sanh và nếu cần, ta nguyện hiến xác thân này cho loài đỉa ở đây và chỉ mong cho dân chúng được bình yên cày cấy để được cơm no áo ấm…” Trong khi Sư ngồi chú nguyện đỉa quay quanh Sư rất nhiều và có một con đỉa thật to màu trắng (có lẽ là đỉa chúa ) bò thẳng lên đầu Sư, nhưng Sư vẫn an nhiên thiền định. Một lát sau, đỉa chúa và các đỉa khác ngã lăn ra chết. Từ đó, vùng này không còn đỉa. Dân chúng dễ dàng cày cấy ruộng đồng, cuộc sống dần sung túc. Sau này, dân chúng gọi sư  Đạo Trung là ” Tổ Đỉa” ( theo truyền tích dân làng kể lại).

Loading...

Tổ đạo Trung – Thiện Hiếu sanh năm Quý Hợi (1743). Ngài đến vùng bưng (Cầu Định) vào khoảng năm 1768 được dân làng dựng am nhỏ cho sư tá túc, thiền định. Đến năm 1794 (Giáp Dần), danh tiếng, đạo đức của Sư được lan rộng khắp vùng. Dân chúng phát tâm xin tổ cho trùng tu lại chùa Long Hưng để làm nơi thờ phượng được khang trang hơn. Tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu có công lớn trong việc truyền bá chánh pháp nơi đây.

Hiện nay chưa biết rõ tên tục và nguyên quán của Sư, chỉ biết Sư là bậc long trượng của chốn thiền môn, là vị khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa như: Linh Sơn trên núi Bà Đen (Tỉnh Tây Ninh); Long Hưng (ấp 4 xã Tân Định, Bến cát); Hội Hưng (xã Trung An, Củ Chi, TP.HCM);  Hội  Lâm còn gọi là chùa Bà Tang (xóm Chùa xã An Phú).  Ngài từng đền hành đạo tại các chùa:  Hội Khánh (Thủ Dầu Một); Long Thọ (Thủ Dầu Một); Hội Sơn (Thủ Đức) và  Bửu An (Bến Gỗ – Biên Hoà).

Sau một thời gian hành đạo ở chùa Long Hưng, Tổ Đạo Trung thâu thần thị tịch vào ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi (1800). Trước khi thị tịch, hàng tứ chúng tôn xưng Ngài là Tổ, nhưng Ngài nói : Sau khi thị tịch môn đồ thiêu xác ta, nếu còn lại bàn tay làm vật chứng thì mới gọi là Tổ. Quả thật như lời phát nguyện, đồ chúng hoả thiêu thân xác thành tro chỉ còn lại 1 bàn tay và từ đây Ngài được tôn xưng vào hàng Tổ, môn đồ xây tháp phía sau chùa để tôn thờ. Hiện nay có nhiều chùa tưởng niệm ân đức sư, lập long vị và tháp vọng để thờ như: Chùa Long Thọ, Chùa Hội Khánh. Riêng chùa Thiên Bửu ( Bình Nhâm) có lập tháp vọng để thờ Tổ Đạo Trung.

Có lẽ Ngài Đạo Trung không có đệ tử truyền thừa nên sau khi Ngài viên tịch, vị kế thế trụ trì là Hoà Thượng Tiên Đề – Chơn Phẩm thuộc thế hệ thứ 37 theo dòng “ Đạo Bổn Nguyên”  Ngài là huynh đệ với Thiền Sư Tiên Huệ – Tịnh Nhãn và là học trò của Hoà Thượng Tổ An – Mật Hoằng. Thiền sư Tổ Ấn – Mật Hoằng phái Thiền Lâm Tế đời 36 (1735 – 1835). Tổ Mật Hoằng từng được vua nhà Nguyễn cữ làm Tăng Cang trụ trì chùa Thiên Mụ vào năm Gia Long thứ ba ( 1804 ). Sau một thời gian hoằng pháp làm hưng thịnh nơi đây, Ngài Tiên Đề – Chơn Phẩm thị tịch vào ngày 18 tháng 4 năm Nhâm Tý (1852). Đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Tiếp các vị trụ trì là Thiền sư Minh Lịch thế hệ 38, Thiền sư Như Sơn – Thới Cư, thế hệ 39, Thiền sư Nguyên Tô thế hệ 44 (dòng Thiền Liễu Quán), Hoà thượng Quảng Phúc, Nhuận Đức, Đức Trường.

Chùa Long Hưng trải qua 9 đời trụ trì theo dòng kệ khác nhau. Trong biến cố thăng trầm của lịch sử có thịnh, có suy, nhưng ngôi chùa Bưng Đỉa vẫn mãi mãi được người dân vùng này sùng kính. Những hiện vật cổ được lưu lại đến nay là tháp Tổ Đạo Trung, một pho tượng của tổ sư Đạo Trung tạc bằng gỗ mít có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ 19, một pho tượng bằng đồng cao khoảng 1m và các pho tượng Tam Thế, Thập Điện Diêm Vương bằng gỗ, 1 Đại Hồng chung, các long vị của các vị tổ sư và trụ trì, các bộ tượng gỗ khác …Tất cả hiện vậ này có niên đại khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một bức hoành phi đề Long Hưng tự , sơn son thếp vàng lập vào năm Giáp Dần ( 1854) , giảng đường còn lưu lại câu đối (có vào năm 1903 ) của Hoà Thượng Thế Cư vị trụ trì đời thứ tư :

慈  蕓 法 雨 森 籮 變 地 皆 成 清 淨 境

Từ vân pháp vũ sâm la biến địa giai thành thanh tịnh cảnh

慧 日 曇 華 洎 在 竺 間 爭 睹 喜 歡 場

Huệ nhật đàm hoa tự tại gian tranh đổ hỉ hoan tràng

Tạm dịch :

  Mây lành mưa pháp, phủ khắp ở cõi trần gian, đều trở thành nơi thanh tịnh.

      Ngày huệ hoa đàm, tự tại như miền Thiên Trúc, sẽ trông thấy chốn an vui.

Kiến trúc chùa Long Hưng

Chùa Long Hưng hiện nay không còn di tích cũ. Ngôi chánh điện đã bị chiến tranh làm đổ nát vào ngày 19 tháng 9 năm 1966. Vào năm 1986, Phật tử chùa đã xây dựng lại ngôi chánh điện nằm ở phía sau nền chánh điện cũ bằng vật liệu gỗ, kiến trúc cổ 3 gian 2 chái. Sau khi Hoà thượng trụ trì đời thứ 8 viên tịch vào năm 1989, chùa không có người thừa kế. Mãi đến năm 1995, Tỉnh hội mới bổ nhiệm Thượng toạ Thích Hồng Long (Chánh BĐD Phật giáo Bến Cát, Đại biểu HĐND, Uỷ viên UBMTTQ.VN huyện Bến Cát) về trụ trì. Vào tháng 3 năm 2001, Thượng toạ trụ trì và Phật tử tổ chức đặt đá trùng tu ngôi chánh điện trên nền cũ.

Đến với chùa Long Hưng hôm nay hẳn là ta thấy hoàn toàn khác với cảnh trí của ngôi chùa năm xưa. Từ đường chính vào chùa độ khoảng gần 500 mét vùng bưng đỉa và đồng ruộng bạt ngàn năm xưa không còn nữa bởi do sự phát triển của khu công nghiệp cũng như sự phát triển dân số và nhà cửa, nhưng chùa Bưng Đỉa vẫn còn giữ được sự trầm lặng thánh thoát của thiền môn và thấp thoáng ta vẫn còn trông thấy vài mảnh ruộng còn sót lại của vùng Bưng Đỉa năm xưa.

Do có niên đại hình thành khá sớm so với các ngôi chùa cổ ở Bình Dương cũng như với lịch sử và hành trạng của Thiền Sư Đạo Trung – Thiện Hiếu nên chùa Long Hưng được sở Văn Hoá – Thông Tin tỉnh xếp hạng Di Tích Lịch sử cấp tỉnh vào ngày 4 tháng 7 năm 2005.

Chùa Long Hưng là nơi hành đạo của tổ Đạo Trung. Ngài đã đem đến cho vùng đất này một tinh thần từ bi vô ngã của đạo Phật. Hình ảnh của chùa Tổ Đỉa mãi mãi được ghi dấu mà người dân nơi đây đã ngưỡng mộ bậc chân tu.

Mỗi dịp lễ lượt, đặc biệt là ngày húy kỵ của ngài tổ sư khai sơn (21 tháng chạp), chúng sinh bái vọng, nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho người dân an cư lạc nghiệp.

https://www.youtube.com/watch?v=fydyN_NukCY

Loading...