Chùa Hội Sơn tọa lạc tại số 1A1 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa cách trung tâm thành phố 19km về hướng Đông Bắc.

Chùa nằm trên một ngọn đồi nhỏ cao 15m so với mặt biển. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Lịch sử

Chùa Hội Sơn do thiền sư Long Khánh xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, nên còn được gọi là chùa Khánh Long

Sách Gia Định Thành Thông Chí giới thiệu về chùa: “Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành…”

Chùa Hội Sơn được trùng kiến, mở rộng vào thời Thiền sư Huệ Tấn (1875-1924). Đến năm 1933, ông Tri huyện Nguyễn Minh Giác tiếp tục trùng tu. Năm 1938, Ni sư Thích Nữ Như Thanh và đệ tử là Thích Nữ Như Tiên đã tổ chức trùng tu, xây dựng thêm nhiều công trình phụ.

Loading...

Chùa đã trải qua 11 đời trụ trì : Tổ khai sơn Khánh Long, Tổ Đức Hội, Tổ Chân Truyền, Tổ Huệ Tấn, Tổ Đạt Biên, Tổ Như Quới, Tổ Hồng Đạo, Ni sư Thích Nữ Như Thanh, Sư cô Thích Nữ Như Tiên, Đại đức Thích Nhật Phát. Đại đức Thích Thiện Hảo, trụ trì ngôi chùa hiện nay đã tổ chức trùng tu nhiều đợt.

Cảnh quan và kiến trúc

Chùa Hội Sơn đã tồn tại trên 200 năm và qua nhiều lần trùng tu và xây dựng thêm. Nhìn chung , chùa vẫn giữ được mặt bằng kiến trúc cơ bản của một ngôi chùa cổ: mặt bằng chữ L ngược, mái ngói âm dương, vì kèo chịu lực bằng gỗ , cửa gỗ , tường gách, nền lót gạch tàu ( 30cmx30cm).

Sân chùa rộng rãi, tôn trí một số tượng Phật, Bồ tát. Trước ngôi chánh điện, đặt tượng đức Phật Thích Ca, hai bên ngôi chánh điện đặt tượng Bồ tát Di Lặc giáng trần và Bồ tát Quán Thế Âm xuất sơn.

Chùa Hội Sơn có nhiều công trình kiến trúc : Tiền đường, Điện Phật, Bát Nhã đường gồm nhà Tổ, giảng đường và một số công trình khác như  : nhà trù, nhà túc, nhà tăng, nhà khách … để phục vụ chư Tăng Ni, Phật tử về chùa dự các đại lễ hằng năm.

Trong chánh điện có bốn cây đại trụ bằng gỗ quý, trên thân có cặp câu đối và hoa văn chạm liền một khối rất đẹp :

Di Đà kinh trung, Hồng Danh kinh trung; kinh kinh nguyện âm siêu dương thịnh,

Lăng Nghiêm hội thượng, Đại Bi hội thượng; hội hội cầu quốc thái dân an.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường dịch là :

Trong kinh Di Đà,trong kinh Hồng Danh; kinh nào cũng nguyện cho âm  siêu dương thịnh,

Trên hội Lăng Nghiêm, trên hội Đại Bi; hội nào cũng cầu cho nước thịnh dân an.

Ở điện Phật, tầng trên tôn trí tượng đức Phật Thích Ca, tầng kế đặt thờ bộ tượng Di Đà Tam Tôn : đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Phía trước và hai bên vách hông, chùa đặt thờ nhiều tượng : Hộ Pháp Vi Đà, Tiêu Diện, La Hán, Minh Vương, Địa Tạng, Ngọc Hoàng …

Chùa Hội Sơn có 6 bức hoành phi cổ, trong đó có bức ghi chữ “Vạn Đức Hồng Danh” do vua Khải Định tặng, 30 pho tượng cổ, trong đó tượng đức Phật A Di Đà cao 1,2m, tượng Chuẩn Đề cao 1m và tượng Tiêu Diện cao 1m được tạo tác từ thế kỷ XVIII.

Chùa có hai khu tháp mộ cổ. Bên phải là tháp Tổ Khánh Long và Tổ Chân Truyền. Bên trái là tháp Tổ Huệ Tấn. Bên trái ngôi chùa có đường dẫn lên điện thờ Quan Thánh.

Chùa Hội Sơn còn có di chỉ khảo cổ học. Di chỉ chùa Hội Sơn chưa được khai quật. Di chỉ nằm trên diện tích khoảng 18.000 m2 , trên một vùng phù sa cổ trong đó có một lớp đá ong dày 4m , được phủ lên bởi một lớp đất mỏng. Do tác động của quá trình bóc mòn , rửa trôi nên các  hiện vật của di chỉ  đã lộ ra , nhờ đó mà di chỉ được phát hiện. Một số hiện vật của di chỉ, đó là : “ nhiều mảnh gốm và 89 công cụ đá , một hòn bi đất có đường kính 17mm , một quả dọi hình chóp cụt có đường kính ở đáy 35mm , cao 9 mm với một lỗ xuyên suốt ở giữa có đường kính 4mm. Trong số các công cụ đá có 23 rìu vai, 14 đá mài ( polissoirs) 7 chiếc đục bằng đá , 21 mảnh đá trong đó có vài mảnh có hình dáng tương tự đầu mũi tên, một mẫu vòng tay hình dĩa ( anneau-disque) có đường kính 10cm, ở giữa là một lỗ xuyên suốt có đường kính 5,7mm ”. Hiện nay nhà truyền thống quận Thủ Đức đang trưng bày một số hiện vật mới sưu tầm được ở di chỉ Hội Sơn. Đáng chú ý là hai chiếc rìu có vai. Di chỉ chùa Hội Sơn thuộc nền văn hóa Đồng Nai, có niên đại khoảng 3500 – 4000 năm, ở vào thời đại kim khí. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Thật hiếm có một di tích mang nhiều giá trị như di tích chùa Hội Sơn. Trên nền di chỉ khảo cổ học là ngôi chùa cổ. Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ và các hiện vật quí. Ngôi chùa ấy lại được xây dựng trên ngọn đồi, bên một dòng sông tạo nên thắng cảnh nổi tiếng.

Di tích chùa Hội Sơn vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, về lịch sử và danh lam thắng cảnh. Di tích Chùa Hội Sơn đã được Bộ Văn hóa ký quyết định số 43-VH/QĐ ngày 07/01/1993 công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Hội Sơn ngày nay là một danh lam thắng cảnh ở thành phố Hồ Chí Minh. Chùa thường xuyên đón tiếp nhiều du khách, Phật tử, sinh viên học sinh đến lễ bái, sinh hoạt, cắm trại, vui chơi trong không gian thoáng đãng, an lạc.

https://www.youtube.com/watch?v=CJD5wecQk3Q

Loading...